Số tham chiếu: 60752643/14470198
BÁO CÁO KIỂM TOÁN VIÊN ĐỘC LẬP
Kính gửi: Các Cổ đông của Công ty Cổ phần Kinh Đô
Chúng tôi đã kiểm toán bảng cân đối kế toán riêng vào ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Công ty Cổ
phần Kinh Đô (“Công ty”), và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng và báo cáo lưu chuyển
tiền tệ riêng cho năm tài chính kết thúc cùng ngày và thuyết minh các báo cáo tài chính riêng kèm
theo được trình bày từ trang 5 đến trang 35 (sau đây được gọi chung là “các báo cáo tài chính
riêng”). Các báo cáo tài chính riêng này thuộc trách nhiệm của Ban Tổng Giám đốc Công ty. Trách
nhiệm của chúng tôi là đưa ra ý kiến về các báo cáo tài chính riêng này dựa trên việc kiểm toán của
chúng tôi.
Cơ sở ý kiến kiểm toán
Chúng tôi đã thực hiện công việc kiểm toán theo các Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam và Quốc tế
được áp dụng tại Việt Nam. Các chuẩn mực này yêu cầu chúng tôi phải lập kế hoạch và thực hiện
việc kiểm toán để đạt được mức tin cậy hợp lý về việc các báo cáo tài chính riêng không có sai sót
trọng yếu. Việc kiểm toán bao gồm việc kiểm tra theo phương pháp chọn mẫu, các bằng chứng về
số liệu và các thuyết minh trên các báo cáo tài chính riêng. Việc kiểm toán cũng bao gồm việc đánh
giá các nguyên tắc kế toán đã được áp dụng và các ước tính quan trọng của Ban Tổng Giám đốc
Công ty cũng như đánh giá việc trình bày tổng thể các báo cáo tài chính riêng. Chúng tôi tin tưởng
rằng công việc kiểm toán của chúng tôi cung cấp cơ sở hợp lý cho ý kiến kiểm toán.
Vấn đề ảnh hưởng đến ý kiến kiểm toán
Chúng tôi xin lưu ý đến Thuyết minh số 9 – Tài sản cố định vô hình.
Tổng tài sản của Công ty vào ngày 31 tháng 12 năm 2010 bao gồm một tài sản cố định vô hình trị
giá 50.000.000.000 VNĐ thể hiện giá trị của thương hiệu “Kinh Đô” mà Công ty Trách nhiệm Hữu
hạn Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô góp vốn vào Công ty. Đồng thời, Công ty cũng đã
ghi nhận một khoản tương ứng với giá trị tài sản vô hình nói trên vào vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên,
theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 04 – Tài sản cố định vô hình, và Công văn số 12414/BTC-
CĐKT do Bộ Tài chính ban hành vào ngày 3 tháng 10 năm 2005, thương hiệu được tạo ra từ nội bộ
doanh nghiệp thì không được ghi nhận là tài sản cố định vô hình vì (1) loại thương hiệu này không
phải là nguồn lực có thể xác định được, (2) loại thương hiệu này không được đánh giá một cách
đáng tin cậy và (3) doanh nghiệp không thể kiểm soát được loại thương hiệu này.
Cũng theo công văn trên, hiện nay cơ chế tài chính của Nhà nước chưa quy định về giá trị quyền
sử dụng thương hiệu. Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài chính
ban hành chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định cũng chưa quy định thương
hiệu là tài sản cố định vô hình nên cũng chưa có cơ sở hạch toán. Vì những lý do trên, trong khi
Nhà nước chưa hướng dẫn cơ chế tài chính, các công ty không được phép sử dụng thương hiệu
để góp vốn.
Công ty đang khấu trừ thương hiệu “Kinh Đô” trong 20 năm và số khấu trừ đã được tính vào chi phí
trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm
2010 là 2.500.000.000 VNĐ, đã làm giảm khoản lợi nhuận thuần sau thuế trong năm với số tiền
tương đương. Giá trị khấu trừ lũy kế vào ngày 31 tháng 12 năm 2010 là 20.416.667.000 VNĐ đã
làm giảm khoản lợi nhuận chưa phân phối cũng vào ngày này với số tiền tương đương. Tương tự,
việc ghi nhận tài sản thương hiệu “Kinh Đô” cũng đã làm tăng giá trị tổng tài sản và vốn chủ sở hữu
với số tiền lần lượt là 29.583.333.000 VNĐ và 50.000.000.000 VNĐ vào ngày 31 tháng 12 năm
2010.