Chuẩn mực kiểm toán số 540
Chuẩn mực kiểm toán số 540: Kiểm toán các ước tính kế toán (Bao gồm ước tính kế
toán về giá trị hợp lý và các thuyết minh liên quan)
(Ban hành kèm theo Thông tư số 214/2012/TT-BTC
ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài chính)
I/ QUY ĐỊNH CHUNG
Phạm vi áp dụng
01. Chuẩn mực kiểm toán này quy định và hướng dẫn trách nhiệm của kiểm toán
viên và doanh nghiệp kiểm toán (sau đây gọi là “kiểm toán viên”) liên quan đến các ước
tính kế toán, bao gồm ước tính kế toán về giá trị hợp lý và các thuyết minh liên quan
trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính. Cụ thể, Chuẩn mực này mở rộng cách áp
dụng Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315, số 330 và các chuẩn mực kiểm toán Việt
Nam khác liên quan đến các ước tính kế toán. Chuẩn mực này cũng quy định và hướng
dẫn về các sai sót trong từng ước tính kế toán, và dấu hiệu về sự thiên lệch của Ban Giám
đốc.
Bản chất của các ước tính kế toán
02. Một số khoản mục trên báo cáo tài chính không thể được đo lường chính xác mà
chỉ có thể ước tính. Trong Chuẩn mực này, các khoản mục đó trên báo cáo tài chính được
gọi là ước tính kế toán. Nội dung và độ tin cậy của các thông tin có thể có để hỗ trợ cho
Ban Giám đốc lập ước tính kế toán có thể khác nhau đáng kể, làm ảnh hưởng đến mức độ
không chắc chắn của các ước tính kế toán. Mức độ không chắc chắn đó lại ảnh hưởng đến
rủi ro có sai sót trọng yếu của các ước tính kế toán, kể cả việc ước tính kế toán dễ bị ảnh
hưởng bởi sự thiên lệch cố ý hay vô ý của Ban Giám đốc (xem hướng dẫn tại đoạn A1 –
A11 Chuẩn mực này).
03. Mục tiêu đo lường của các ước tính kế toán có thể thay đổi tùy thuộc vào khuôn
khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng và tùy thuộc vào khoản mục được
trình bày trên báo cáo tài chính. Mục tiêu đo lường của một số ước tính kế toán là nhằm
dự đoán kết quả của một hoặc nhiều giao dịch, sự kiện hoặc điều kiện dẫn đến yêu cầu
phải có ước tính kế toán đó. Các ước tính kế toán khác, bao gồm một số ước tính kế toán
về giá trị hợp lý, lại có mục tiêu đo lường khác và được thể hiện bằng giá trị của một giao
dịch hiện tại hoặc một khoản mục trên báo cáo tài chính dựa vào các điều kiện phổ biến
tại thời điểm đo lường, như giá thị trường ước tính của một loại tài sản hoặc nợ phải trả
cụ thể. Ví dụ, khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có thể quy
định việc đo lường giá trị hợp lý phải dựa trên một giao dịch hiện tại giả định giữa các
bên có hiểu biết và sẵn sàng tham gia vào một giao dịch ngang giá (đôi khi gọi là “các
bên tham gia thị trường” hoặc tương đương), thay vì một giao dịch tại một thời điểm
trong quá khứ hoặc trong tương lai (các khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính
khác nhau có thể có định nghĩa khác nhau về giá trị hợp lý).
04. Sự khác biệt giữa kết quả thực tế của một ước tính kế toán và số liệu đã ghi nhận
hoặc thuyết minh ban đầu trong báo cáo tài chính không nhất thiết bị coi là sai sót trong
báo cáo tài chính. Điều này đặc biệt đúng đối với các ước tính kế toán về giá trị hợp lý, vì
kết quả thực tế có thể kiểm chứng được luôn chịu ảnh hưởng của các sự kiện hoặc điều
1