(5) Đánh giá tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán đã thu thập để hình
thành ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính.
A5. Rủi ro có sai sót trọng yếu có thể tăng lên khi Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán
cần có chuyên môn khác ngoài lĩnh vực kế toán cho việc lập và trình bày báo cáo tài
chính, ví dụ do mức độ phức tạp của vấn đề hoặc do Ban Giám đốc đơn vị được kiểm
toán không có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn đó. Nếu khi lập báo cáo tài chính, Ban
Giám đốc đơn vị được kiểm toán không có kiến thức chuyên môn cần thiết thì một
chuyên gia của đơn vị được kiểm toán có thể được sử dụng để giải quyết rủi ro này. Các
kiểm soát phù hợp, bao gồm cả những kiểm soát liên quan đến công việc của chuyên gia
của đơn vị được kiểm toán, nếu có, cũng có thể làm giảm rủi ro có sai sót trọng yếu.
A6. Nếu việc lập báo cáo tài chính cần sử dụng đến kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh
vực riêng ngoài lĩnh vực kế toán, thì kiểm toán viên, mặc dù thông thạo về kế toán, kiểm
toán có thể vẫn không có đủ chuyên môn cần thiết để kiểm toán báo cáo tài chính này.
Thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán đó phải đảm bảo rằng nhóm
kiểm toán, cùng với chuyên gia không phải là thành viên của nhóm kiểm toán, kết hợp lại
sẽ có đủ năng lực và khả năng để thực hiện cuộc kiểm toán, theo quy định tại đoạn 14
Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220. Hơn nữa, kiểm toán viên cần xác định được nội
dung, lịch trình và phạm vi của nguồn lực cần thiết để thực hiện cuộc kiểm toán, theo quy
định tại đoạn 08(e) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 300. Đánh giá của kiểm toán viên
về sự cần thiết phải sử dụng công việc của chuyên gia, thời gian và mức độ cần sử dụng
sẽ giúp kiểm toán viên đáp ứng được những yêu cầu này. Khi cuộc kiểm toán được tiến
hành hoặc khi hoàn cảnh thay đổi, kiểm toán viên có thể cần xem lại những quyết định
trước đó về việc sử dụng công việc của chuyên gia, theo hướng dẫn tại đoạn A21 Chuẩn
mực kiểm toán Việt Nam số 220.
A7. Một kiểm toán viên không phải là chuyên gia trong một lĩnh vực riêng biệt ngoài
lĩnh vực kế toán, kiểm toán vẫn có thể thu thập được đầy đủ kiến thức cần thiết về lĩnh
vực đó để thực hiện cuộc kiểm toán mà không cần đến chuyên gia. Kiến thức này có thể
được thu thập thông qua:
(1) Kinh nghiệm kiểm toán các đơn vị khác mà việc lập báo cáo tài chính của các đơn
vị khác này yêu cầu phải có chuyên môn trong lĩnh vực riêng biệt đó;
(2) Đào tạo và phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực riêng biệt đó. Đào tạo có thể bao
gồm những khóa học chính thức, hoặc những cuộc thảo luận với các cá nhân có chuyên
môn trong lĩnh vực liên quan nhằm mục đích nâng cao khả năng của chính kiểm toán
viên để giải quyết những vấn đề trong lĩnh vực đó. Việc thảo luận nêu trên khác với việc
xin ý kiến tư vấn của chuyên gia về một trường hợp cụ thể phát sinh trong cuộc kiểm
toán, khi mà chuyên gia được cung cấp mọi thông tin liên quan để có thể tư vấn về vấn đề
cụ thể đó một cách toàn diện (theo hướng dẫn tại đoạn A21 Chuẩn mực kiểm toán Việt
Nam số 220);
(3) Thảo luận với các kiểm toán viên khác đã thực hiện những cuộc kiểm toán tương
tự.
6