I - VÒNG QUAY ĐẦU CƠ
Hầu hết những người kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp trên thị trường sẽ đều
phải thừa nhận rằng những biến động giá cả không đáng kể – dao động trong khoảng từ
năm đến mười đô-la – xảy ra ở những cổ phiếu có tính đầu cơ cao – phần lớn đều là do vấn
đề tâm lý. Chúng là kết quả của rất nhiều cách phản ứng khác nhau của đám đông, hay nói
chính xác hơn là thái độ của những người đang tham gia thị trường tại thời điểm đó.
Những biến động giá cả như vậy thường bắt nguồn từ những “yếu tố kinh tế cơ bản” –
nghĩa là những thay đổi thật sự trong chính sách trả cổ tức hay sự biến động trong khả
năng sinh lời của một công ty niêm yết nào đó. Tuy nhiên, nó cũng có thể hoàn toàn không
phải vậy. Thông thường, những biến động lớn trên thị trường trong vòng một vài tháng hay
thậm chí là một vài năm là kết quả của những thay đổi trong khía cạnh tài chính; nhưng
những biến động nhỏ và ngắn hạn hơn thường là kết quả của những thay đổi trong suy
nghĩ của đám đông các nhà đầu tư và kinh doanh, thứ có thể có hoặc không trùng khớp với
những thay đổi trong các yếu tố cơ bản của nền kinh tế.
Để bạn đọc thấy rõ hơn yếu tố tâm lý đang từng ngày từng giờ ảnh hưởng tới thị
trường chứng khoán như thế nào, ta sẽ cùng nghe lại một mẩu đối thoại giữa những người
kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp, và đây hoàn toàn là những điều có thể được nghe
thấy hàng ngày trên Phố New hay tại các quán cà phê quanh đó.
“Thế nào, anh biết được gì rồi?” Một người hỏi bạn anh ta.
Câu trả lời là: “Có vẻ như thiên hạ đều đã bán khống và giờ đang nợ cổ phiếu . Vậy
nên tôi vừa mới mua lại số cổ phiếu Steel của mình rồi ”.
“Những người tôi gặp đều nghĩ hệt như anh. Ai cũng ra sức mua lại vì nghĩ những
người khác đã bán khống – trong khi thị trường thì vẫn chưa có dấu hiệu đi lên rõ rệt. Tôi
cho là lúc này không mấy người cần mua lại cổ phiếu nữa đâu, và nếu đúng là như thế thì
thị trường sẽ còn giảm nữa.”
“Đúng thế, chỉ có điều bây giờ ai cũng nói như anh cả – tất cả họ đã bán vì nghĩ
những người khác đã mua rồi. Tôi nghĩ bán khống lúc này vẫn có lợi như trước đây thôi.”
Rõ ràng là chuỗi tư duy đó có thể sẽ tiếp diễn không bao giờ ngừng. Những thay đổi
nhanh chóng trong đánh giá về thị trường của mọi người khiến ta liên tưởng tới trò chơi bập
bênh, trong đó mỗi bên lần lượt giành phần thắng cho mình trong chuỗi tư duy liên tục và
cuối cùng chẳng có ai đi tới cái đích cụ thể nào cả.
Suy luận của hai nhân vật này dựa vào một điểm mấu chốt, họ cho rằng suy nghĩ của một
người đang đầu tư (hay đầu cơ) theo giá lên sẽ hoàn toàn khác so với suy nghĩ của một người
đang đầu cơ theo giá xuống . Và do đó, trong những cuộc hội thoại như thế này, điều mà họ
đang nói tới chính là thái độ của đám đông những người đang tham gia vào thị trường lúc bấy
giờ ra sao. Nếu phần đông các nhà đầu tư lướt sóng , vốn rất dễ lung lay, lạc quan cho rằng thị
trường sẽ đi lên thì bất cứ dấu hiệu nào của điều ngược lại cũng sẽ khiến họ nhanh chóng bán
ra, kết quả là thị trường sẽ đi xuống. Trong khi đó, nếu phần đông những người này cho rằng thị
trường đang đi xuống thì một dấu hiệu đi lên sẽ lại khiến họ lập tức mua vào