Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
Cần Thơ, tháng 5/2005
Marketing địa phương Quản lý Marketing trong thế kỷ 21
Chương 4: Khách hàng
Noel Capon & James M. Hulbert Biên dịch: Hoàng Phương
5
Việc thảo luận định nghĩa khách hàng cho thấy khách hàng có thể được xem xét ở cả cấp
độ vĩ mô lẫn vi mô. Khách hàng ở cấp độ vĩ mô hiện diện trong các tổ chức như hộ gia
đình, doanh nghiệp, và các cơ quan chính phủ; khách hàng cá nhân ở cấp độ vi mô đóng
nhiều vai trò khác nhau trong các quyết định mua hàng. Hiểu rõ được những mối quan hệ
vai trò này trong các đơn vị ra quyết định (DMU) là tối cần thiết đối với người bán.
Những vai trò tiêu biểu là:
• Người gác cổng: Là cá nhân có khả năng cản trở việc tiếp cận đến người ra quyết
định và những người gây ảnh hưởng khác. Trong nhiều tổ chức, thư ký, trợ lý hành
chính và các nhân viên mua hàng đóng vai trò này.
• Người gây ảnh hưởng: Là cá nhân có ý kiến mà người ra quyết định đánh giá cao
trong khi người đó đưa ra quyết định. Những cá nhân này có thể có các mức độ ảnh
hưởng khác nhau đối với quyết định mua hàng cụ thể. Đối với một người mua cá
nhân, bạn bè hay đồng nghiệp là những người gây ảnh hưởng; trong gia đình, tùy vào
sản phẩm hay dịch vụ, người gây ảnh hưởng có thể là chồng, vợ hay con cái. Khi các
tổ chức mua hàng, nhiều cá nhân từ những bộ phận chức năng khác nhau có thể gây
ảnh hưởng. Ngoài ra, những người khác có thể đóng vai trò ảnh hưởng bao gồm các
hiệp hội người tiêu dùng, những nhà làm luật, quan chức chính phủ, chính trị gia, tư
vấn và “những bạn hàng”.
• Người xác lập tiêu chuẩn: Là người có ảnh hưởng gián tiếp đối với việc mua hàng
xuất phát từ vai trò của anh ta hay cô ta trong việc xác lập các quy cách phẩm chất,
mặc dù họ có thể không chính thức liên quan đến chính quyết định đó. Chẳng hạn,
khi đưa ra quyết định liên quan đến nhà ở, kiến trúc sư có thể đóng vai trò này; trong
một tổ chức, đó có thể là kỹ sư.
• Người ra quyết định: Là cá nhân chính thức có quyền ra quyết định.
• Người mua: Là cá nhân có khả năng hoàn tất hành động mua hàng với nhà cung cấp.
Ở các gia đình phương Tây, đối với nhiều sản phẩm và dịch vụ, theo truyền thống,
người nữ chủ gia đình thường đóng vai trò này; ở vùng nông thôn tại Bangladesh, vai
trò này do đàn ông nắm giữ. Trong các tổ chức, nhân viên mua hàng chính là “người
mua”.
• Người sử dụng: Là người nhận được lợi ích của sản phẩm một cách trực tiếp nhất.
Người sử dụng thường ít có vai trò trực tiếp đối với quyết định mua hàng nhưng bởi
vì họ có thể thực hiện có hiệu quả quyền phủ quyết đối với việc sử dụng sản phẩm
cho nên họ trở thành những người gây ảnh hưởng lớn. Chẳng hạn như, trẻ em là
người sử dụng/gây ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ đối với các sản phẩm ngũ cốc ăn liền;
tại nhà máy, công nhân nào nói rằng “Tôi sẽ không làm việc với thứ có màu đỏ đó
đâu” thì họ có quyền lực mạnh, mặc dù chủ yếu là quyền nói “không”.
• Kẻ phá bĩnh: Là người cố gắng ngăn không cho công ty bán hàng. Có thể, đây là
nhân viên cũ bất mãn hay là người có ông anh rể làm việc cho đối thủ cạnh tranh!
• Người ủng hộ: Người đẩy mạnh lợi ích của công ty trong nỗ lực bán hàng. Trước
đây người này có thể có nhiều kinh nghiệm với công ty bán hàng hay có mối quan hệ
cá nhân với đội ngũ nhân viên của công ty này.
• Người cung cấp thông tin: Là người luôn thông tin cho công ty bán hàng biết được
các quá trình mua hàng của tổ chức mua, chất lượng mối quan hệ (công ty và đối thủ
cạnh tranh), …