Thế chiến thứ hai đã cướp mất sinh mạng của 37,6 triệu người, cả quân đội lẫn thường dân, chỉ riêng
ở tám nước dính líu nhiều đến cuộc chiến là Đức, Ý, Nhật, Ba Lan, Pháp, Anh, Liên Xô và Mỹ. Trong
những nước này, Liên Xô thiệt mất 21,3 triệu mạng sống, kế đến là Đức, hơn 7 triệu người tử vong.
Riêng Nhật có 1,7 triệu binh sĩ tử trận và 360.000 người dân hi sinh trong cuộc chiến. Những con số
khô khan đó là chứng tích của một trong những thảm họa ghê gớm nhất trong lịch sử loài người.
NHỮNG NGƯỜI TIÊN PHONG GIẢI BÀI TOÁN NHU CẦU XÃ HỘI
Chiến tranh vừa kết thúc, đời sống của nước Nhật thiếu thốn trăm bề, kể cả những món ăn tinh thần
đơn giản nhất. Khó có thể tìm thấy một máy thu thanh còn nguyên vẹn. Trong chiến tranh, cảnh sát
Nhật buộc thường dân giao nộp máy thu thanh để họ hủy đi băng sóng ngắn vì sợ những tin tức
chiến trường phát đi từ các đài phương Tây làm hoang mang dân chúng, mặt khác binh lính Nhật có
thể bị đối phương lung lạc tinh thần.
Khi hòa bình lập lại rồi, những hạn chế của thời chiến không còn lý do để tồn tại nữa, người dân đua
nhau tìm mua máy thu thanh cũ, sửa chữa và nâng cao tính năng của chúng. Có cầu tất sẽ có cung,
nhiềucơ sở sửa chữa, nâng cấp máy thu thanh mọc lên khắp các thành phố, lôi cuốn nhiều chuyên viên
kỹ thuật trẻ tuổi vào cuộc.
Trong số này có Masaru Ibuka, một kỹ sư điện sinh năm 1908, tốt nghiệp trường Khoa học kỹ thuật
thuộc Đại học Waseda, đang điều hành công ty Tokyo Tsushin Kogyo K.K. (Công ty Kỹ thuật Viễn
thông Tokyo) chuyên cung ứng dụng cụ điện, thiết bị radar cho quân đội Nhật.
Tháng 9.1945, Ibuka quay lại Tokyo, bắt đầu những dự tính mới, khi chiến tranh không còn đe dọa
thành phố này nữa. Anh thuê một căn phòng nhỏ ở tầng ba của Cửa hàng bách hóa Shirokiya ở
Nihonbashi để làm xưởng sản xuất. Chi phí, lương bổng cho nhân viên đều lấy từ những khoản tiền
dành dụm của chính người kỹ sư nhiều khát vọng này. Sau khi nắm bắt được nhu cầu về thông tin của
người dân Nhật, nhất là sự thiếu thốn các phương tiện kỹ thuật, Ibuka quyết định chuyển sang công
việc sửa chữa máy thu thanh và cung cấp cho người tiêu dùng các bộ chuyển đổi (converter) và bộ tiếp
hợp (adapter) có thể gắn vào máy thu thanh để nghe tin tức từ các đài phát thanh phát đi bằng sóng
ngắn. Việc làm của Ibuka cùng các đồng nghiệp được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Ngày
6.10.1945, nhật báo Asahi Shimbun đã dành hẳn mục “Bút chì xanh” quen thuộc để viết về công ty
của Ibuka, trong đó có đoạn: “... Anh Masaru Ibuka, nguyên giảng viên bộ môn Khoa học và kỹ
thuật trường Đại học Waseda,
và là con rể ông Bộ trưởng Giáo dục Tamon Maeda, vừa khai trương Phòng thí nghiệm nghiên cứu
Viễn thông tại tầng ba cửa hàng Shirokiya ở Nihonbashi. Hoạt động không vì những động cơ thương
mại, anh đã tìm tòi, mở rộng việc sử dụng các máy thu thanh sóng ngắn bằng cách chuyển đổi các máy
thu thanh thông thường hoặc bằng việc sử dụng một thiết bị bổ sung...”
Bài báo ấy đã tình cờ đến tay một thanh niên 25 tuổi ở Kosugaya thuộc quận Aichi. Anh vui mừng
nhận ra Ibuka là người quen cũ và trong đầu vụt nảy ra một ý tưởng về những vấn đề từng nung nấu
trong nhiều ngày qua.
Họ đã bắt được liên lạc với nhau sau chiến tranh một cách tình cờ và đầy bất ngờ như vậy.
*
* *
Ít lâu sau, chàng thanh niên ở Kosugaya này gõ cửa căn phòng tồi tàn của Ibuka. Hai người gặp lại
nhau trong nỗi mừng rỡ không kể xiết. Chiến tranh và những lo toan cá nhân đã ngăn cách họ, nhưng
nay hòa bình đã lập lại – cho dù là hòa bình trong cảnh đổ nát hoang tàn – thì cũng là lúc để họ biến
những hoài bão thành hiện thực. Họ ngồi hàng buổi với nhau, trút hết những gì ấp ủ trong tâm tư mà