Dù ở mức độ nào của sự phát triển, cuộc sống vẫn luôn tiềm ẩn những
rủi ro không lường trước: Rủi ro chết bất ngờ, ốm đau, bệnh tật, tai nạn, trộm
cắp, lũ lụt, đổ vỡ... Tất cả những hiểm hoạ bất khả kháng luôn đe doạ chúng
ta và tài sản của chúng ta vẫn hiện hữu và cũng chưa bao giờ bị loại trừ một
cách tuyệt đối. Rủi ro chỉ có thể xử lý hoặc giảm thiểu nhiều hay ít tuỳ thuộc
vào nỗ lực của xã hội và của mỗi chúng ta. Khi rủi ro xảy ra, trách nhiệm của
tất cả chúng ta là giảm thiểu thiệt hại, phục hồi nhanh nhất mất mát về ổn
định cuộc sống, mang lại sự bình yên và hạnh phúc cho con người.
Con người sẽ có được sự tự tin, thanh thản tâm trí khi đã có bảo hiểm,
sẽ được bồi thường tổn thất, mất mát, hay thực hiện các kế hoạch tài chính
của mình. Tham gia bảo hiểm là thể hiện cuộc sống biết kế hoạch hóa của
chúng ta và nó thực sự cần thiết đối với tất cả chúng ta.
2. Các loại hình bảo hiểm
Căn cứ tính chất hoạt động, bảo hiểm chia thành bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế và bảo hiểm thương mại.
Bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội do nhà nước tổ chức và quản lý thống
nhất (bộ Lao động thương binh xã hội và bộ Y tế....) chịu trách nhiệm.
Bảo hiểm thương mại do bộ Tài chính quản lý (có nước do ngân hàng
nhà nước quản lý. Bảo hiểm thương mại hoạt động kinh doanh, do đó có
nhiều tổ chức của các thành phần kinh tế cùng tham gia; Nhà nước quản lý
hoạt động bảo hiểm thương mại thông qua luật, các văn bản pháp quy, các
điều lệ; thông qua xét duyệt hình thành cũng như giải thể các tổ chức, kiểm
tra hoạt động của các tổ chức có phù hợp với luật pháp điều lệ.....
Bảo hiểm thương mại còn được gọi là bảo hiểm rủi ro hay bảo hiểm
kinh doanh, được hiểu là sự kết hợp giữa hoạt động kinh doanh và việc quản
lý các rủi ro. Manh nha của hoạt động này có từ rất lâu trong lịch sử văn
minh nhân loại. Xã hội ngày càng phát triển với các cuộc cách mạng công
nghiệp, đến cuộc cách mạng thông tin thì bảo hiểm cũng ngày càng khẳng
định vai trò của mình trong mọi hoạt động xã hội của con người bởi rủi ro
nhiều hơn và các nhu cầu về an toàn cũng lớn hơn.