2
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam,
Danh nhân văn hoá thế giới” (UNESCO - 1987), là “một trong một trăm nhân vật ảnh
hưởng nhất thế kỷ XX” (TIME - 2005). Người là người con ưu tú nhất của dân tộc Việt
Nam. Điếu văn của BCH TW Đảng Lao động Việt Nam - 1969 viết: “Dân tộc ta, nhân
dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và
chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Hồ Chủ tịch đã để lại cho dân tộc và nhân loại một di sản đồ sộ, vô cùng quý báu.
Đó là cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong kho tàng
ấy, Tư tưởng Hồ Chí Minh giữ một vị trí đặc biệt. Cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư
tưởng Hồ Chí Minh trở thành “kim chỉ nam cho hành động” của Đảng, Nhà nước và nhân
dân ta. Đó là thứ vũ khí lý luận vô cùng sắc bén, là ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho
dân tộc Việt Nam tiến về phía trước.
Việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng đã
được tiến hành từ mấy chục năm nay với sự góp mặt của đông đảo các nhà nghiên cứu
trong và ngoài nước. Trong quá trình nghiên cứu ấy, các nhà lý luận một mặt làm rõ khái
niệm, các nội dung cụ thể của Tư tưởng Hồ Chí Minh, mặt khác còn chia sự hình thành và
phát triển của Tư tưởng Hồ Chí Minh thành những giai đoạn khác nhau. Việc phân kỳ các
giai đoạn như vậy để ta hiểu sâu sắc các mốc phát triển quan trọng, nắm được nội dung tư
tưởng quan trọng của Người trong từng thời kỳ. Đó không phải sự phân chia đứt đoạn bởi
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một quá trình phát triển liên tục, nhất quán, có kế thừa, phát
triển, loại bỏ những quan điểm không phù hợp, có những luận điểm tư tưởng của Người
được hình thành, bổ sung suốt đời. Vì vậy, tiêu chí cơ bản để phân kỳ là dựa vào nội dung
chuyển biến về mặt tư tưởng của Hồ Chí Minh trong từng thời kỳ cụ thể chứ không phải
dựa vào các mốc thời gian hoạt động của Người.