Một trong những vấn đề người suy thận mạn đang lọc máu chu kỳ phải đặc biệt chú ý đó
là điều chỉnh lượng nước vào cơ thể. Ở người bình thường, lượng nước vào cơ thể từ
các nguồn thức ăn, nước uống khoảng 3.000ml và mất đi một lượng tương đương chủ yếu
qua nước tiểu (khoảng 2.000ml) và một phần nhỏ qua mồ hôi, phân, hơi thở. Khi thận bị
suy, chức năng thanh thải nước tự do hay khả năng tạo nước tiểu mất đi. Bệnh nhân
cứ 3 - 4 ngày phải đi chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng hàng ngày để loại bỏ lượng
nước thừa đưa vào cơ thể qua con đường ăn uống. Giả sử tổng lượng dịch một người bị
suy thận ăn uống vào trong ngày là 3.000ml, mất đi qua mồ hôi, hơi thở và phân khoảng
1.000ml, bệnh nhân sẽ còn dư 2.000ml hay 2 lít/ngày hay 2kg, 2 ngày là 4kg và 3 ngày
bệnh nhân sẽ thừa 6 lít nước hay tăng 6kg!
Kiểm soát lượng nước vào cơ thể để hạn chế hoạt động quá mức của thận
Lượng nước dư thừa này là nguyên nhân góp phần làm tăng huyết áp, chứng khó thở do
phù phổi cấp và phù dưới da (tay, chân, mặt...) cũng như tràn dịch các khoang màng
bụng, màng phổi, màng ngoài tim... ở người suy thận mạn. Kiểm soát lượng nước vào cơ
thể bao gồm ăn nhạt để hạn chế uống nước, cân hàng ngày để đánh giá đúng lượng
nước thừa. Có thể cân ngay sau khi rút bỏ nước khi lọc máu nhân tạo rồi cân lại hàng
ngày để đánh giá lượng nước thừa. Đối với bệnh nhân lọc màng bụng càng cần phải kiểm
soát lượng nước vào ra nghiêm ngặt hơn.