Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới khuyên mọi người nên hạn chế thịt đỏ như bò,
lợn, cừu. Đây là nguồn thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng phong phú như
protein, sắt và kẽm nên có thể sử dụng khoảng 500 g một tuần để cân bằng chế độ
ăn uống.
Nên ăn càng ít càng tốt giăm bông, thịt xông khói và xúc xích vì những thực phẩm
này khi phơi, muối thường được thêm chất bảo quản có thể gây ung thư. Thịt có
thể thay thế bằng các loại đậu, như đậu xanh hoặc đậu lăng.
Tiết giảm thực phẩm giàu năng lượng
Ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng như khoai tây chiên, thức ăn nhanh, thức
uống có ga, nước tăng lực... làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì dẫn đến ung thư.
Nước ép trái cây tự nhiên cũng có rất nhiều đường, vì vậy tốt nhất không nên uống
nhiều hơn một ly mỗi ngày, các chuyên gia khuyên. Nên thay thế bằng trà không
đường hoặc cà phê.
Không lạm dụng vitamin
Bổ sung viên vitamin, khoáng chất với liều cao có thể gây tổn hại sức khỏe. Các
chuyên gia khuyến cáo, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh là cách tốt nhất để bổ
sung vitamin thay vì lạm dụng thuốc. Chỉ trong một số trường hợp cần thiết như
phụ nữ cố gắng thụ thai, phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ sơ sinh, người già yếu,
người bệnh... mới cần được cân nhắc sử dụng.
Cho con bú
Cho con bú giúp các bà mẹ cân bằng trọng lượng nhanh chóng và giảm nguy cơ
ung thư vú. Nó làm giảm mức độ của một số hormone liên quan đến ung thư trong
cơ thể người mẹ. Ngoài ra nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để
trẻ nhận được nguồn dưỡng chất tốt nhất. Trẻ bú mẹ sẽ có hệ miễn dịch khỏe
mạnh, giảm nguy cơ tiêu chảy, táo bón, nhiễm trùng... và ít khả năng trở thành
người thừa cân, béo phì sau này so với trẻ được nuôi bằng sữa bột.