6
CHƯƠNG I:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI
Trong thực tế, không phải lúc nào con người cũng chỉ gặp những thuận
lợi, có đầy đủ thu nhập và những điều kiện sinh sống bình thường. Trái lại, có
rất nhiều trường hợp khó khăn, bất lợi, ít nhiều phát sinh làm cho con người bị
giảm hoặc mất thu nhập hoặc các điều kiện sinh sống khác, chẳng hạn như: bất
ngờ bị ốm đau, tai nạn, mất người nuôi dưỡng, hoặc khi tuổi già, khả năng lao
động, khả năng tự phục vụ đều suy giảm,... Khi rơi vào những trường hợp bị
giảm hoặc mất khả năng lao động nói trên, các nhu cầu cuộc sống không vì thế
mà mất đi. Trái lại, có cái còn tăng lên, thậm chí có thể xuất hiện thêm nhu cầu
mới, như khi ốm đau sẽ cần thuốc chữa bệnh,... Bởi vậy, muốn tồn tại, con
người và xã hội loài người phải tìm ra và thực tế đã tìm ra nhiều cách giải quyết.
Trong xã hội công xã nguyên thuỷ, do chưa có tư hữu về tư liệu sản xuất,
mọi người cùng hái lượm, săn bắt, sản phẩm thu được phân phối bình quân nên
khó khăn, bất lợi của mỗi người được cả xã hội, cả cộng đồng san sẻ, gánh chịu.
Trong xã hội phong kiến, quan lại thì dựa vào chế độ bổng lộc của nhà vua; dân
cư thì dựa vào sự đùm bọc lẫn nhau trong họ hàng, cộng đồng làng, xã, hoặc sự
giúp đỡ của những người hảo tâm và của Nhà nước. Với những cách này, người
gặp khó khăn hoàn toàn trông chờ một cách thụ động vào sự hảo tâm từ phía
giúp đỡ. Do vậy, sự giúp đỡ mới chỉ là khả năng, có thể có, có thể không, có thể
nhiều, có thể ít, không hoàn toàn chắc chắn.
Từ khi nền kinh tế hàng hoá phát triển, xuất hiện việc thuê mướn nhân
công, lúc đầu người chủ chỉ cam kết trả công lao động, về sau dần dần, người
chủ còn phải cam kết đảm bảo cho người lao động có một số thu nhập nhất định
để họ trang trải những nhu cầu sinh sống thiết yếu khi bị ốm đau, thai sản, tai
nạn, mất người nuôi dưỡng, tuổi già,... Nhiều khi các trường hợp trên không xảy
ra nên người chủ không phải chi ra một đồng tiền nào. Nhưng nhiều khi lại xảy
ra liên tục buộc người chủ nhiều lúc phải bỏ ra một lúc nhiều khoản tiền lớn mà
họ không muốn. Vấn đề lợi ích giữa người chủ lao động và người lao động luôn