TÓM TẮT
Đầu vỏ tôm tươi thường được sử dụng để chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản,
nhưng do ảnh hưởng bởi mùa vụ nên nguồn cung cấp không được liên tục. Để có thể
bảo quản đầu vỏ tôm sử dụng lâu dài hơn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản,
việc tìm biện pháp xử lí thích hợp phụ phế phẩm từ tôm bằng phương pháp vi sinh là
hết sức cần thiết.
Thí nghiệm được bố trí theo thể thức thừa số gồm 3 nhân tố, mỗi nhân tố có 3
mức độ: (1) Nồng độ muối (A), (2) Nồng độ đường (B) và (3) Hàm lượng chế phẩm vi
khuẩn Lactobacillus sp. (C), gồm tổ hợp 27 nghiệm thức và lặp lại 2 lần.
Phương pháp ủ chua sử dụng 25% đường kem vàng, 10% muối và 1,5% bột vi
khuẩn Lactobacillus sp., 30% nước so với trọng lượng nguyên liệu đầu vỏ tôm tươi là
tốt nhất. Điều kiện ủ không đòi hỏi phải xay nghiền nguyên liệu như một số tác giả đã
thực hiện, và quá trình ủ được tiến hành ở nhiệt độ thường, trong thí nghiệm là vào mùa
khô, nhiệt độ không khí từ 29 – 32oC. pH sau khi ủ 3 ngày đạt 4,03 và giảm nhẹ ở các
ngày sau đó. Sau 15 ngày ủ, pH giữ ở mức 3,76 mà không xuống quá thấp, đủ để bảo
quản lâu dài. Hàm lượng acid lactic ở nhóm nghiệm thức này sau 3 ngày đạt 12,38g/lít
đủ để bảo quản. Hàm lượng NH3 sau 10 ngày là rất thấp (0,043%) và biến động này là
không đáng kể sau 12 ngày ủ (0,045%). Phương tiện ủ đơn giản, phù hợp với hộ chăn
nuôi gia đình. Sản phẩm sau 3 - 5 ngày ủ là có thể sử dụng được và có thể tồn trữ
khoảng một tháng mà không có biến đổi lớn về giá trị dinh dưỡng, không ảnh hưởng
lớn đến việc bổ sung với tỷ lệ thích hợp vào khẩu phần nuôi gia súc, gia cầm, vật nuôi
thủy sản….
Triển vọng của việc sử dụng đầu vỏ tôm ủ chua không chỉ ở hiệu quả kinh tế
mà còn mở ra khả năng giải quyết phế phẩm đầu vỏ tôm một cách hiệu quả, vừa tránh ô
nhiễm trong những lúc dư thừa, vừa giúp ổn định nguồn thức ăn bổ sung đạm, khoáng
dành cho chăn nuôi gia súc, gia cầm thủy sản trong nhân dân.