NHỮNG ĐIỀU CẦN ĐẶC BIỆT LƯU Ý KHI THỬ VIỆC & BẮT ĐẦU CÔNG VIỆC MỚI
Ngay sau niềm vui trúng tuyển, ứng viên sẽ phải tiếp tục cố gắng vượt thử thách bắt buộc - giai đoạn thử việc. Thử việc ngày nay không chỉ đơn thuần là “làm nóng máy” cho nhân sự mới, mà đã trở thành bước sàng lọc và ganh đua để có “vé việc làm” chính thức.
Do đó bên cạnh nỗ lực cá nhân, bạn cần tránh phạm những lỗi “không đáng có” để bị từ chối một công việc tốt.
Thời gian thử việc chỉ kéo dài tầm từ 1 đến 2 tháng. Do đó, bạn cần tranh thủ “thời gian là vàng” để chứng tỏ năng lực với đồng nghiệp và cấp trên. Nếu không phải là chuyện gia đình khẩn cấp hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thì đừng nên xin nghỉ phép, bởi sẽ khiến mọi người nghĩ rằng bạn thiếu chăm chỉ, khả năng chịu đựng kém.
Bên cạnh nghỉ phép, tình trạng “đến muộn về sớm” cũng ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chuyên nghiệp của bạn. Thời gian thử việc là giai đoạn tạo ấn tượng với mọi người mà bạn đã chểnh mảng giờ giấc, vậy khi làm việc chính thức thì quy tắc giờ giấc của bạn sẽ ra sao? Mặc dù có nhiều đồng nghiệp thường xuyên đi làm trễ giờ nhưng đừng xem đó là điều được chấp nhận và làm theo. Thay vào đó, hãy chú ý quãng đường đi làm, giờ cao điểm để chắc chắn rằng bạn sẽ không đến trễ giờ.
Hãy nhớ rằng bạn chỉ mới đang ở giai đoạn thử việc và còn rất nhiều thứ cần phải học hỏi. Bạn sẽ không thể chắc chắn hết mọi thứ, nên tranh cãi với khách hàng hoặc đồng nghiệp là điều tuyệt đối cần tránh. Thay vào đó, hãy tham khảo ý kiến của đồng nghiệp trước khi đưa ra giải pháp và nếu có muốn bày tỏ ý kiến thì cần thể hiện một cách mềm mỏng, nhẹ nhàng và thuyết phục.
Nhiều công ty sẵn sàng chấp nhận các bạn trẻ “non” kinh nghiệm, nhưng bù lại bạn phải thể hiện cho họ thấy nhiệt huyết cống hiến. Nếu chỉ mới ở giai đoạn thử việc, bạn đã có những biểu hiện tiêu cực như hay than vãn, uể oải lười nhác, thì nhà tuyển dụng chẳng thể tin rằng bạn là một người có tinh thần đồng đội, đóng góp nhiều vào lợi ích chung và sẽ “trụ lâu” trước các khó khăn dồn dập khi làm chính thức.
Một trong những điều tối kị khác là sử dụng thời gian làm việc để lướt mạng xã hội, thực hiện các cuộc điện thoại cá nhân hay bình luận về công việc, đồng nghiệp trên các ứng dụng trò chuyện. Từ chối làm theo hướng dẫn của người giám sát cũng là một trong những điều cần tránh.
Bên cạnh các điều luật ghi rõ trong nội quy chung, mỗi văn hóa công ty sẽ có những quy luật “bất thành văn” khác nhau, ví dụ như trả lại các dụng cụ đã mượn sau khi sử dụng xong hay không kéo lê giày dép một cách khó chịu... Bạn có thể phạm sai lầm nhưng hãy ghi nhớ để tránh lặp lại.
Sự chủ động giao tiếp, tạo mối quan hệ với đồng nghiệp là chuyện tốt nhưng chỉ nên dừng ở mức xã giao lịch sự và tập trung vào công việc, nếu không sẽ dễ dàng dẫn đến tình trạng “buôn dưa lê” trong giờ làm việc. Từ đây, đồng nghiệp sẽ ngại tiếp xúc với bạn vì họ sợ bị cuốn vào câu chuyện và lãng phí thời gian, còn sếp thì sẽ chẳng yêu thích nổi một người chỉ thích “chơi” hơn làm. Tránh sự trầm lặng quá mức nhưng hãy chỉ nên nói những gì cần thiết và có điểm dừng phù hợp.
Ngay cả khi bạn giữ vị trí quản lý ở công ty mới thì thời gian thử việc không phải là lúc thích hợp để tỏ ra uy quyền hoặc đưa ra các yêu cầu về việc thay đổi cách quản lý hiện tại. Hãy dành thời gian đó để tìm hiểu quy trình làm việc, văn hóa công ty và nhân viên cấp dưới, trước khi đưa ra quyết định áp dụng cách quản lý mới nhằm đảm bảo sự phù hợp.
Đừng bao giờ nói một điều không hay về công ty, sếp cũ nếu bạn không muốn bị tập thể “ghẻ lạnh” bởi bị xem là người “ăn cháo đá bát”. Hành động này không khác gì tự tạo một vết đen trên hồ sơ của chính mình. Vì vậy, nếu được hỏi về công ty cũ, hãy trả lời thành thật về những trải nghiệm tốt đẹp, chắc rằng dù công ty không như những gì bạn mong muốn thì cũng có nhiều điểm tích cực nhất định.