LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Dầu mỏ là một năng lượng quan trọng, không thể tái sinh. Từ khi được
phát hiện đến nay, dầu mỏ đã đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền
kinh tế, tiền bạc và quyền lực trên thế giới. Từ cuối thế kỷ XIX, hết thế kỷ
XX cho đến hôm nay, dầu mỏ đều ít nhiều là tác nhân gây nên những cuộc
tranh giành quyền lực, dẫn đến những cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới
và cuối cùng là hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX.
Vào đầu những năm 1970, do dầu đột ngột tăng giá, kinh tế thế giới, nhất
là ở những nước công nghiệp tiên tiến, đã rơi vào một cuộc khủng hoảng
năng lượng nghiêm trọng. Từ đó tới nay những biến động về giá dầu đã trở
thành mối quan tâm hàng ngày, hàng giờ. Nhiều lúc người ta có cảm tưởng
sự tồn vong và phát triển của thế giới hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các
nguồn tài nguyên, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt, nguồn năng lượng mà loài
người hiện chỉ còn 30 đến 35% dự trữ, tức là với tốc độ sử dụng hiện nay
dầu mỏ chỉ còn được sử dụng trong khoảng 30 đến 40 năm nữa.
Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu về dầu mỏ, một năng
lượng có ý nghĩa thời sự nhất hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối
hợp với Công ty sách Alpha dịch và xuất bản cuốn: Dầu mỏ, tiền bạc và
quyền lực – Thiên sử thi vĩ đại nhất thế kỷ XX của Daniel Yergin – Chủ tịch
Hiệp hội nghiên cứu năng lượng Cambridge, giảng viên Đại học Harvard.
Cuốn sách gồm 36 chương, được chia thành 5 phần. Nội dung cuốn sách
thuật lại chi tiết toàn cảnh lịch sử của ngành dầu mỏ, mô tả các cuộc đấu
tranh giành tiền bạc và quyền lực xung quanh ngành công nghiệp dầu mỏ,
làm rung chuyển kinh tế thế giới, làm thay đổi vận mệnh của nhiều quốc gia,
dân tộc, gây ra nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu. Đây là cuốn sử thi thế giới
thông qua nhân vật chính là dầu mỏ.
Cuốn sách giành giải thưởng Eccles. Mặc dù sách rất dày và đồ sộ, nhưng
bạn đọc không hề thấy nhàm chán, mà ngược lại luôn bị cuốn hút vào cách
đặt vấn đề và lối hành văn súc tích, có hàm lượng thông tin kiến thức cao của
tác giả.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tháng 8 năm 2008
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia