Nếu thống nhất với quan niệm nhà quản lý là nhà lãnh đạo của một tổ
chức, là người “thực hiện công việc của mình thông qua những người khác thì
Khổng Tử đúng là người như vậy.
2. Khổng Tử - nhà tư tưởng quản lý của thuyết Đức trị
Sống trong một xã hội nông nghiệp, sản xuất kém phát triển vào cuối đời
Xuân Thu, đầy cảnh “đại loạn” và “vô đạo”, bản thân đã từng làm nhiều nghề
“bỉ lậu” rồi làm quan cai trị, Khổng Tử nhận thức được nhu cầu về hoà bình,
ổn định, trật tự và thịnh vượng của xã hội và mọi thành viên.
Khác với Trang Tử coi đời như mộng, kiếp người phù du chỉ cốt “toàn
sinh” cho bản thân, Khổng Tử là một người “nhập thể” và luôn trăn trở với
chuyện quản lý của xã hội theo cách tốt nhất. Song, ông không phải là một
nhà cách mạng từ dưới lên, ông chỉ muốn thực hiện những cải cách xã hội từ
trên xuống, bằng con đường “Đức trị”.
Xã hội lý tưởng mà Khổng Tử muốn xây dựng là một xã hội phong kiến
có tôn ti, trật tự. Từ Thiên Tử tới các chư hầu lớn nhỏ, từ quý tộc tới bình dân,
ai có phận nấy, đều có quyền lợi và nhiệm vụ sống hoà hảo với nhau, giúp đỡ
nhau, nhất là hạng vua chúa, họ phải có bổn phận dưỡng dân- lo cho dân đủ
ăn đủ mặc, và bổn phận giáo dân bằng cách nêu gương và dậy lễ, nhạc, văn,
đức, bất đắc dĩ mới dùng hình pháp. Xã hội đó lấy gia đình làm cơ sở và hình
mẫu, trọng hiếu đễ, yêu trẻ, kính giá. Mọi người đều trọng tình cảm và công
bằng, không có người quá nghèo hoặc quá giàu; người giàu thì khiêm tốn, giữ
lễ, người nghèo thì “lạc đạo”.
Dù sao thì ý tưởng trên cũng được cả hai giai cấp bóc lột và bị bóc lột
thời đó dễ chấp nhận hơn, dễ thực hiện hơn so với hình mẫu xã hội vô chính
phủ “ngu si hưởng thái bình” của Lão Tử và mẫu “quốc cường quân tôn”
bằng hình phạt hà khắc và lạm dụng bạo lực của phái pháp gia.
Cái “cốt” lý luận để xây dựng xã hội trên, cái giúp cho các nhà cai trì lập
lại trật tự từ xã hội vô đạo chính là đạo Nho - đạo Nhân của Khổng Tử. Cho