Chương 1: Những vấn đề chung và những khái niệm cơ bản
4
- Xibecnetic: Bao gồm các ngành khoa học chuyên nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến
khái niệm thông tin và tín hiệu. Mục đích của Xibecnetic là làm giảm sự nặng nhọc của trí óc và
nâng cao hiệu suất lao động trí óc. Ngoài những vấn đề được xét trong Xibecnetic như đối tượng,
mục đích, tối ưu hoá việc điều khiển, liên hệ ngược. Việc nghiên cứu các quá trình thông tin (như
chọn, truyền, xử lý, lưu trữ và hiển thị thông tin) cũng là một vấn đề trung tâm của Xibecnetic.
Chính vì vậy, lý thuyết và kỹ thuật thông tin chiếm vai trò rất quan trọng trong Xibecnetic.
- Công nghệ học: gồm các ngành khoa học tạo, biến đổi và xử lý các vật liệu mới. Công
nghệ học phục vụ đắc lực cho Xibecnetic và năng lượng học. Không có công nghệ học hiện đại
thì không thể có các ngành khoa học kỹ thuật hiện đại.
1.1.2. Sơ lược lịch sử phát triển
Người đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng lý thuyết thông tin là Hartley R.V.L. Năm 1928,
ông đã đưa ra số đo lượng thông tin là một khái niệm trung tâm của lý thuyết thông tin. Dựa vào
khái niệm này, ta có thể so sánh định lượng các hệ truyền tin với nhau.
Năm 1933, V.A Kachenhicov chứng minh một loạt những luận điểm quan trọng của lý
thuyết thông tin trong bài báo “Về khả năng thông qua của không trung và dây dẫn trong hệ thống
liên lạc điện”.
Năm 1935, D.V Ageev đưa ra công trình “Lý thuyết tách tuyến tính”, trong đó ông phát
biểu những nguyên tắc cơ bản về lý thuyết tách các tín hiệu.
Năm 1946, V.A Kachenhicov thông báo công trình “Lý thuyết thế chống nhiễu’ đánh dấu
một bước phát triển rất quan trọng của lý thuyết thông tin.
Trong hai năm 1948 – 1949, Shanon C.E công bố một loạt các công trình vĩ đại, đưa sự
phát triển của lý thuyết thông tin lên một bước tiến mới chưa từng có. Trong các công trình này,
nhờ việc đưa vào khái niệm lượng thông tin và tính đến cấu trúc thống kê của tin, ông đã chứng
minh một loạt định lý về khả năng thông qua của kênh truyền tin khi có nhiễu và các định lý mã
hoá. Những công trình này là nền tảng vững chắc của lý thuyết thông tin.
Ngày nay, lý thuyết thông tin phát triển theo hai hướng chủ yếu sau:
Lý thuyết thông tin toán học: Xây dựng những luận điểm thuần tuý toán học và những cơ
sở toán học chặt chẽ của lý thuyết thông tin. Cống hiến chủ yếu trong lĩnh vực này thuộc về các
nhà bác học lỗi lạc như: N.Wiener, A. Feinstain, C.E Shanon, A.N. Kanmôgorov, A.JA Khintrin.
Lý thuyết thông tin ứng dụng: (lý thuyết truyền tin)
Chuyên nghiên cứu các bài toán thực tế quan trọng do kỹ thuật liên lạc đặt ra có liên quan
đến vấn đề chống nhiễu và nâng cao độ tin cậy của việc truyền tin. Các bác học C.E Shanon, S.O
RiCe, D. Midleton, W. Peterson, A.A Khakevich, V. Kachenhicov đã có những công trình quý
báu trong lĩnh vực này.