Những công ty như Intel buộc chúng ta phải suy nghĩ tích cực hơn hoặc suy nghĩ lại về
quan niệm cho rằng thị phần là yếu tố dự báo lợi nhuận.
TÔI NỖ LỰC VÌ LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG HAY VÌ GIÁ TRỊ TĂNG
TRƯỞNG?
"Hãy chiếm thị phần cao". Trong trật tự kinh tế cũ, trong thời đại của thị phần, lượng
tăng trưởng là yếu tố bảo đảm thành công. Tăng trưởng là thứ chúng ta được dạy phải
theo đuổi. Nó đã tạo ra lợi nhuận cao hơn cho tất cả các công ty nắm ít thị phần, những
công ty với mô hình kinh doanh đơn điệu và những công ty được điều hành kém. Nước
lên thuyền lên. Có một nhà điều hành đã đưa ra một quan điểm cổ điển như thế này:
"Lượng tăng trưởng có thể giải quyết được mọi vấn đề về điều hành. Thậm chí khi
chúng ta điều hành kém, sự tăng doanh thu cũng sẽ giúp ta khắc phục những sai lầm đã
mắc phải.”
Châm ngôn này cũng đã bị lung lay. Sự tăng trưởng trong ngành và sự gia tăng giá trị
doanh nghiệp (giá cổ phiếu) không còn giữ tỉ lệ tương quan 1-1. Những ngành có tốc độ
tăng trưởng nhanh như sản xuất máy tính, điện tử tiêu dùng, viễn thông và phần mềm đã
tạo ra những công ty không lợi nhuận. Trái lại, những ngành không tăng trưởng hoặc
tăng trưởng kém lại tạo ra những công ty thành công nhất trên thế giới. Coca-Cola đã
đạt được giá trị tăng trưởng đáng kể trong ngành tăng trưởng thấp là nước giải khát,
cũng như General Electric (GE) trong ngành sản xuất tăng trưởng thấp và Swatch trong
lĩnh vực sản xuất đồng hồ.
Hai khái niệm giá trị nhất trong trật tự kinh tế cũ – thị phần và tăng trưởng – đã trở
thành hai quan niệm nguy hiểm nhất trong trật tự kinh tế mới. Để áp dụng hai quan
niệm này một cách thích hợp (và an toàn), bạn phải hiểu được sự gia tăng của những
vùng không lợi nhuận trong nền kinh tế.
VÙNG KHÔNG LỢI NHUẬN
Trước đây, các công ty chỉ cần phô trương thanh thế là đã có thể đưa ra một mức giá
cao. Có rất ít đối thủ trên vũ đài cạnh tranh bất kỳ, và khách hàng nắm rất ít quyền lực.